Giá ca cao tăng do nhu cầu tiêu thụ sô-cô-la tăng
Giá ca cao tăng 73 USD/tấn tức
tăng 3,05% kể từ đầu năm 2019 đến nay, theo biểu đồ hợp đồng ca cao giao tháng
7 trên sàn ICE Futures US tại New York. Về lịch sử thì giá ca cao chạm mức cao
kỷ lục mọi thời đại 4361,58 USD/tấn vào tháng 7/1977 và mức thấp kỷ lục 211 USD/tấn
vào tháng 7/1965.
Các nước sản xuất ca cao lớn nhất
thế giới là Bờ Biển Ngà và Ghana vốn chiếm hơn 50% tổng nguồn cung ca cao thế
giới. Các nước sản xuất khác gồm: Indonesia, Nigeria, Cameroon, Ecuador và Brazil.
Giá ca cao tăng là do nhu cầu
tiêu thụ sô-cô-la trên thế giới ngày càng tăng, đặc biệt tại các thị trường như
Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, hiện nguồn cung ca cao chưa thể đủ để đáp
ứng nhu cầu ngày càng tăng đó của thị trường.
Nhu cầu ca cao tăng mạnh trong những
năm qua cũng khiến cho sản lượng ca cao toàn cầu tăng. Điều đáng nói là mặc dù
sản lượng tăng cao nhưng nông dân trồng ca cao không bị rơi vào cảnh được mùa mất
giá.
Ghana, nước sản xuất ca cao đứng
thứ hai trên thế giới, dù dự báo sản lượng sẽ giảm trong niên vụ 2018/2019
nhưng cũng không khiến Tổ chức Ca cao Thế giới (ICCO) giảm dự báo sản lượng ca
cao toàn cầu. Theo dự báo của tổ chức này, sản lượng ca cao của thế giới vẫn lập
mức kỷ lục là 4,8 triệu tấn. Ghana trước đây được dự báo sẽ sản xuất khoảng
900.000 tấn, bằng sản lượng của niên vụ trước. Tuy nhiên, dự báo này đã được hạ
xuống còn 850.000 tấn. Nguyên nhân là do một số diện tích cây bị nhiễm virus
gây hại và do thiếu nước mưa. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Ghana đã
triển khai dự án trồng lại 400.000 ha cây ca cao bị nhiễm bệnh.
Còn tại Bờ Biển Ngà, nước sản xuất
ca cao hàng đầu thế giới dự kiến đạt sản lượng kỷ lục là 2,2 triệu tấn trong
niên vụ 2018/2019.
Trong khi đó, giá ca cao trên thị
trường thế giới lại đang có chiều hướng tăng do lượng ca cao nguyên liệu đưa ra
thị trường đang thấp hơn nhiều so với nhu cầu sản xuất sô-cô-la toàn cầu. Dự kiến,
tình trạng thiếu hụt này có thể sẽ còn kéo dài. Đây quả thực là tin vui cho
nông dân trồng ca cao trên toàn cầu.
Hiện nay giá trị của ngành sản xuất
sô-cô-la toàn cầu hiện lên tới 100 tỷ USD và còn tăng nữa.
Ca cao tại Việt Nam đang được các
công ty thu mua đánh giá cao nhất châu Á do được lên men đúng quy trình, rất
thích hợp để chế biến thành loại socola nguyên chất cao cấp. Ca cao tại Việt
Nam được sản xuất tập trung chủ yếu ở 15 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ
và Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng ca cao trong nước năm ngoái đạt hơn
5.700 tấn hạt khô.
Blog Dự Báo
Đăng bình luận