Các yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng giá cà phê hiện nay
Theo phân tích của Blog Dự Báo
thì trong giai đoạn hiện nay, giá cà phê thế giới chịu tác động của các yếu tố
sau đây:
1. Cán cân cung cầu
Cây cà phê được trồng chủ yếu ở
các vùng khí hậu cận nhiệt đới, nơi nhiệt độ quanh năm đạt mức trung bình khoảng
70 độ F (khoảng 20 độ C). Cà phê bao gồm hai loại chủ yếu là arabica và
robusta. Cà phê arabica chiếm phần lớn nguồn sản lượng toàn cầu, chủ yếu được
trồng ở các vùng cao nguyên ở Tây bán cầu (khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ). Cà phê
robusta được trồng nhiều ở các vùng đất thấp và khí hậu nóng hơn ở Châu Á và
Châu Phi. Cà phê robusta có chất lượng kém hơn cà phê arabica.
Khu vực Nam Mỹ và Trung Mỹ sản xuất
phần lớn cà phê của thế giới. Brazil và Colombia là hai nước trồng cà phê
arabica hàng đầu thế giới. Hai nước sản xuất cà phê robusta hàng đầu lần lượt
là Việt Nam và Indonesia. Xuất khẩu cà phê của Brazil, Việt Nam, Colombia… tăng
hay giảm sẽ tác động đáng kể đến xu hướng giá cà phê. Xuất khẩu tăng làm tăng
nguồn cung khiến giá cà phê giảm, ngược lại xuất khẩu giảm có thể hỗ trợ giá cà
phê tăng. Nhu cầu nhập khẩu từ các nước tiêu dùng lớn, nhu cầu tiêu thụ của các
nhà rang xay cũng ảnh hưởng đến giá cà phê.
Báo cáo tồn kho cà phê chứng nhận
đạt chuẩn trên các sàn giao dịch lớn như ICE Futures US ở New York và ICE
Futures Europe ở London cho thấy sự thay đổi của nguồn cung và nguồn cầu. Bởi vậy,
theo dõi báo cáo tồn kho cà phê là phần việc khá quan trọng của nhà đầu tư trên
thị trường cà phê.
2. Tình hình thời tiết, mùa vụ, sản
xuất
Thời tiết tại các quốc gia trồng
cà phê chính như Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia, Trung Mỹ ảnh hưởng đến
giá trị của cà phê mùa thu hoạch và ảnh hưởng tới giá hợp đồng tương lai trên
các sàn giao dịch. Thời tiết thuận lợi cho sản xuất dẫn đến giá giảm, thời tiết
xấu cho sản xuất dẫn đến giá tăng.
Các yếu tố thời tiết, mùa vụ, sản
xuất cần quan tâm bao gồm: thay đổi nhiệt độ, sương giá, mưa đá, mưa bão, các
hiện tượng El Nino, La Nina, hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh (dịch nấm ghỉ sét lá,
sâu đục thân…), chất lượng phân bón, quy trình sản xuất…
Đặc biệt, Brazil là nước duy nhất
trên thế giới chịu rủi ro sương giá tại các vùng vành đai cà phê ở các bang
Parana, Sao Paulo và Minas Gerais, nguy cơ sương giá cao nhất trong giai đoạn
tháng 7-8. Tin đồn sương giá thường thúc đẩy giá cà phê arabica tăng với tính
biến động mạnh.
Tại Colombia và Brazil vẫn thường
xảy ra các cuộc biểu tình đình công của người nông dân trồng cà phê nhằm kiến
nghị chính phủ có các chương trình hỗ trợ khi giá cà phê tham chiếu tại thị trường
New York giảm xuống mức thấp dưới mức chi phí sản xuất. Các cuộc biểu tình hay
đình công thường gây trì trệ cho quá trình sản xuất cũng như giao hàng cà phê đến
các cảng xuất khẩu.
3. Các yếu tố kinh tế tài chính
vĩ mô như lạm phát, giảm phát
Các thị trường tài chính nói
chung và thị trường cà phê thế giới nói riêng chịu ảnh hưởng của các yếu tố
kinh tế tài chính vĩ mô như lạm phát, giảm phát, khủng hoảng kinh tế thế giới.
Chúng ta đang ở giai đoạn giảm phát, giá cả hàng hóa không còn leo thang, sức
mua của người tiêu dùng giảm nên hệ quả là giá cà phê vẫn ở trong chu kỳ giá giảm
dài hạn là lẽ tất nhiên. Một khi giai đoạn giảm phát kết thúc, lạm phát leo
thang trở lại, các thị trường hàng hóa thúc đẩy thành thị trường bong bóng, khi
đó giá cà phê cũng chuyển mình tăng cao theo quy luật thị trường.
4. Chính sách và động thái can
thiệp của các chính phủ
Chính sách lãi suất, động thái
can thiệp chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương như Brazil, Việt Nam;
các chương trình hỗ trợ giá cà phê của các chính phủ như Brazil, Colombia, Việt
Nam đều tác động đến giá cà phê thế giới.
Sức mạnh của đồng USD (chịu ảnh
hưởng của các số liệu kinh tế Mỹ và động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ –
Fed, bình luận của Chủ tịch Fed, các thành viên Fed), hay sức mạnh đồng tiền và
nền kinh tế của các nước sản xuất, tiêu thụ cà phê lớn như đồng real của
Brazil; đồng VNĐ của Việt Nam… cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cung cầu và giá cà
phê.
Động thái thu mua, tích trữ của
các liên đoàn, hiệp hội cà phê quốc gia, kế hoạch tiêu thụ cà phê của các tập
đoàn lớn cũng tác động đến giá cà phê.
5. Giao dịch mua bán cà phê của
các định chế tài chính
Giao dịch mua bán cà phê của các
định chế tài chính, các quỹ đầu cơ, quỹ chỉ số, quỹ phòng hộ rủi ro, quỹ đầu tư
tín thác cũng tác động đến xu hướng giá cà phê. Kết quả giao dịch của các quỹ
thường thế hiện trong báo cáo cam kết thương nhân (COT) công bố vào ngày thứ
Sáu hàng tuần ở 2 sàn lớn là ICE Futures US tại New York và ICE Futures Europe
tại London.
6. Báo cáo của tổ chức lớn trong
ngành cà phê
Báo cáo phân tích thị trường cà
phê hàng tháng, hàng quý của các tổ chức cà phê lớn trên thế giới như Tổ chức
Cà phê Quốc tế (ICO), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Công ty Volcafe, Rabobank, Công
ty Cung ứng Nguồn cung Quốc gia Brazil (Conab)… sẽ đưa ra những nhận định, phân
tích về xu thế giá cà phê, các thống kê, tổng hợp về nguồn cung, nhu cầu cà phê
của các nước sản xuất và khu vực trên thế giới lớn cũng sẽ cho thấy những cái
nhìn đa chiều về xu hướng giá cà phê.
7. Ngoài các yếu tố chủ yếu nên
trên, còn có các yếu tố khác như các biến cố chính trị, chiến tranh thương mại,
những sự kiện lớn trên thế giới như World Cup (nếu diễn ra tại các nước sản xuất
cà phê hàng đầu như Brazil); khảo sát, dự báo sản lượng cà phê và triển vọng
giá cà phê của các hãng tin lớn như Reuters, Bloomberg …
Blog Dự Báo
Đăng bình luận