Các nhà xuất khẩu gạo châu Á khơi mào cuộc chiến giá gạo
Theo Nikkei Asian Review, Châu Á đang trải qua một cuộc đua
xuất khẩu gạo khi các nhà sản xuất lớn như Ấn Độ và Việt Nam nỗ lực thúc đẩy
doanh số bán hàng ở nước ngoài nhằm hỗ trợ người nông dân, trong đó một số còn
được khuyến khích gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh có thể tiếp tục
gây áp lực lên giá gạo toàn cầu, khiến cả bên chiến thắng cũng bị thiệt hại.
Thái Lan, vốn dĩ là nước xuất khẩu
gạo lớn nhất thế giới trong hơn ba thập kỉ qua, hiện nay đang đối mặt với triển
vọng ảm đạm khi giá gạo càng xuống thấp. Xuất khẩu gạo của vương quốc này đã giảm
còn 11 triệu tấn trong năm 2018 từ mức 11,6 triệu tấn vào năm 2017. Xuất khẩu gạo
của Thái Lan có thể giảm xuống 10 triệu tấn vào năm 2019, theo Bộ Thương mại
Thái Lan, cơ quan giám sát ngành gạo nước này.
Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan
ngày càng bi quan về triển vọng năm nay. Họ kỳ vọng xuất khẩu gạo giảm còn 9 -
9,5 triệu tấn, chủ yếu do những rủi ro bên ngoài. Trong năm 2017, Chính phủ
Thái Lan đã cố gắng tận dụng nhu cầu gạo toàn cầu mạnh mẽ và giảm kho dự trữ gạo
lớn của mình, một di sản từ chương trình trợ cấp gạo của cựu Thủ tướng Thái Lan
Yingluck Shinawatra. Sau khi nắm quyền vào năm 2011, chính quyền của bà
Yingluck đã bắt đầu chương mình thu mua khối lượng lớn gạo từ người nông dân ở
mức giá lạm phát cao. Chính phủ Thái Lan sau đó dự trữ gạo để giảm nguồn cung
toàn cầu và thúc đẩy giá gạo tăng.
Sự sụp đổ của chính quyền bà
Yingluck vào năm 2014 khiến Thái Lan rơi vào khủng hoảng và không thể lường trước
được cạnh tranh đã gia tăng từ Ấn Độ, Việt Nam và các nước khác.
Tại Ấn Độ, nơi nông dân là cử tri
chính và cuộc tổng tuyển cử quốc gia sẽ được tổ chức vào tháng 5, Thủ tướng
Narendra Modi tuyên bố trợ cấp gạo 5% đối với xuất khẩu gạo non-basmati vào hai
tháng trước. Chương trình, sẽ kết thúc vào cuối tháng 3, cũng nhằm thúc đẩy xuất
khẩu gạo và giảm khối lượng tồn kho đang ngày càng gia tăng bằng cách khiến giá
gạo Ấn Độ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Mức trợ cấp 5% là một
phần của Đề án Xuất khẩu hàng hóa từ Ấn Độ (MEIS) của Chính phủ. Các nhà cung cấp
gạo nhận giấy chứng nhận có thể được sử dụng để thanh toán thuế. Nếu một thương
nhân xuất khẩu 1.000 USD giá trị gạo thì sẽ được cấp một giấy chứng nhận MEIS trị
giá 50 USD có thể được dùng để thanh toán thuế.
Trong năm 2018, hàng chục nghìn nông
dân trên khắp cả nước đã tới thủ đô Ấn Độ để yêu cầu miễn trả nợ và tăng giá
thu mua cây trồng. Chính phủ Ấn Độ đã công bố hàng loạt chương trình trợ cấp
cho người nông dân ngoài giá hỗ trợ tối thiểu vì không muốn khiến người nông
dân thất vọng trước khi diễn ra cuộc bầu cử.
Tại Việt Nam, xuất khẩu gạo năm
2018 tăng 6% so với năm trước lên 6,15 triệu tấn. Bất chấp tốc độ công nghiệp
hóa và hiện đại hóa nhanh chóng, diện tích trồng lúa chiếm khoảng 60% tổng diện
tích đất trồng trọt của Việt Nam. Sản xuất gạo là thiết yếu đối với gần 9 triệu
hộ nông dân tại Việt Nam.
Với thêm nhiều quốc gia châu Á muốn
bán lượng gạo tồn kho ra thị trường toàn cầu, một cuộc chiến gạo đang dần hình
thành.
Blog Dự Báo
Đăng bình luận